Giá cao su tăng tổng cộng hơn 5% trong 2 phiên, vàng lên cao nhất 1 tuần, nhôm chạm đỉnh 2 tháng trong khi sắt thép và đồng cũng tăng ấn tượng.
Kết thúc phiên đêm qua, giá dầu tăng trên 3% khi các nhà đầu tư thêm tin tưởng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp thương mại mà không gây thiệt hại tới kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông gia tăng và đồng USD yếu đi. Dầu Brent tăng 2,39 USD (+3,5%) lên 71,04 USD/thùng, là phiên giá tăng nhiều nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 3,3% (+2,09 USD) lên 65,51 USD/thùng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa cam kết sẽ mở cửa hơn nữa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, và hạ thuế nhập khẩu, đánh dấu giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ – Trung chuyển hướng ôn hòa. Trong khi đó Trung Đông gia tăng căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ có phản ứng ngay đối với vụ nghi ngờ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Theo ông Streible, phản ứng như vậy chắc chắn sẽ khiến Mỹ nhanh chóng rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, vì Iran ủng hộ Syria. Không còn thỏa thuận này thì Iran sẽ lại bị trừng phạt, và nguồn cung dầu mỏ thế giới sẽ bị tổn hại.
Việc đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt sau phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại càng thúc đẩy giá dầu tăng thêm.
Vàng cao nhất gần 1 tuần
Căng thẳng địa chính trị và USD giảm cũng khiến giá vàng tăng mạnh. Vàng giao ngay tăng 0,4% len 1.341,29 USD/ounce, cao nhất kể từ 4/4; vàng giao tháng 6 tăng 5,8 USD (+0,4%) lên 1.345,9 USD/ounce. Giới đầu tư đang chờ xem khả năng Mỹ sẽ hành động ra sao đối với vụ nghi ngờ Syria dùng vũ khí hóa học trong chiến tranh. Tuy nhiên, phát biểu của ông Tập tỏ thái độ ôn hòa không chỉ khiến USD giảm mà còn đẩy chứng khoán toàn cầu tăng điểm – yếu tố ngăn giá vàng tăng mạnh.
Giá bạc cũng tăng 0,7% trong phiên vừa qua lên 16,57 USD/ounce, trong khi palađi tăng 2,3% lên 950,72 USD/ounce vào lúc đóng cửa giao dịch, sau khi có lúc chạm mức cao nhất 12 ngày (961,30 USD/ounce). Chỉ riêng bạch kim giảm 0,1% xuống 930,80 USD/ounce.
Nhôm cao nhất 2 tháng
Giá nhôm vừa lập kỷ lục cao nhất 2 tháng sau khi Sàn gia dịch kim loại London (LME) ra những quy định hạn chế đối với sản phẩm của hãng sản xuất Nga Rusal do bị Mỹ trừng phạt. Kết quả, giá nhôm cuối ngày tăng 4,2% lên 2.229 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức 2.242 USD/tấn, cao nhất kể từ 29/1. Và kim loại này cũng đang trong đợt tăng giá dài nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Mỹ hôm 6/4 đã công bố các lệnh trừng phạt đối với hàng loạt quan chức, nhà tài phiệt và tổ chức của Nga, trong đó có “gã khổng lồ” trong ngành nhôm là Rusal vì cho rằng Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ cùng nhiều hành động “phá hoại” khác. Việc Rusal bị trừng phạt chắc chắn sẽ khiến sản lượng của Nga sụt giảm bởi vai trò của Rusal là rất lớn. Hãng này sản xuất 3,7 triệu tấn nhôm trong năm 2017, theo tính toán của Argonaut thì khối lượng đó tương đương 7% tổng sản lượng của toàn thế giới. Rusal cho biết xuất khẩu sang Mỹ chiếm trên 10% tổng sản lượng của họ. Dự trữ nhôm tại các kho hàng có xuất xứ từ các nhà sản xuất Đông Âu (chủ yếu do Rusal sản xuất) trên sàn London còn 450.650 tấn tính đến ngày 6/4.
Đồng tăng vì dự báo sẽ thiếu cung
Giá đồng cũng tăng 1,7% lên 6.945 USD/tấn, cao nhất kể từ 16/3. Thị trường đồng dự báo sẽ chuyển sang thiếu hụt từ năm 2020 sau khi cân đối trong suốt thập kỷ này, đó là nhận định của lãnh đạo công ty Rio Tino.
Sắt thép tăng nhờ phát biểu của ông Tập
Giá quặng sắt tại trung Quốc tăng gần 3% sau 3 phiên trượt giảm trước đó khi lo ngại về chiến tranh thương mại dịu lại sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ mở cửa hơn nữa nền kinh tế nước này và đồng thời giảm thuế đối với nhiều sản phẩm trong đó có ô tô – thái độ được coi là góp phần hóa giải mối đe dọa Mỹ sẽ đánh thuế đối với hàng chục tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Phát ngôn của ông Tập đã giúp chứng khoán Mỹ và châu Á tăng điểm, đồng thời làm hạn chế nhu cầu mua những tài sản an toàn như vàng hay yen Nhật.
Quặng sắt giao tháng 9 tại Đại Liên tăng 2,7% lên 451 NDT (72 USD)/tấn, đảo chiều tăng sau 3 phiên giảm trước đó. Quặng sắt giao ngay tại cảng Tần Hoàng Đảo (TQ) tăng 0,6% lên 63,95 USD/tấn.
Các thương gia Trung Quốc cho biết nhu cầu nhìn chung đang bước vào mùa tăng, ở một số nơi thời tiết lạnh thì có thể phải chờ khoảng 2-3 tuần nữa mới thấy biểu hiện rõ nét. Xuất khẩu quặng sắt từ cảng Hedland (Australia) sang Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng gần 12% so với tháng trước đó, lên 35 triệu tấn.
Thép cây trên sàn Thượng Hải cũng tăng 1,7% lên 3.419 NDT/tấn bởi những dấu hiệu về nhu cầu tăng và dự trữ thép xây dựng của các thương gia Trung Quốc giảm tuần thứ 3 liên tiếp xuống 8,73 triệu tấn vào ngày 4/4, so với mức cao nhất gần 5 tuần hồi giữa tháng 3 (9,78 triệu tấn), theo số liệu của SteelHome. Số liệu của Morgan Stanley cho thấy dự trữ của các thương gia còn giảm nhanh hơn nữa do nhu cầu mạnh, theo đó chỉ trong một tuần đã giảm 6,5% trong cùng kỳ.
Mặc dù vậy, triển vọng thị trường thép trong những tháng tới còn rất khó đoán. Trong một cuộc phỏng vẫn của kênh CNBC-TV18, nhà quản lý cấp cao của S&P Global Platts, Paul Bartholomew, cho rằng giá thép thế giới có thể sẽ giảm về cuối năm marketing 2018.
Đậu tương và khô đậu tương cao kỷ lục
Giá đậu tương và khô đậu tương trên thị trường Trung Quốc đang tăng rất mạnh lên mức cao kỷ lục sau khi Bắc Kinh dọa sẽ áp thuế nhập khẩu đối với đậu tương Mỹ để trả đũa. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước này đang ráo riết săn lùng mua các nguyên liệu này trước khi nguồn cung trở nên quá khan hiếm. Khô đậu kỳ hạn giao sau vừa tăng 6,5% lên kỷ lục cao 3.400 NDT (538,83 USD)/tấn. Giá khô hạt cải – có thể thay thế khô đậu – cũng lên cao kỷ lục 2 năm (kỳ hạn giao tháng 9 đạt 2.734 NDT/tấn), và giá đậu tương tại đây lên mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Tại Chicago, giá đậu tương cũng tăng sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ hạ dự báo về dự trữ cuối vụ 2017/18. Đậu tương giao tháng 5 tăng 3 US cent lên 10,50 USD/bushel vào lúc đóng cửa, trước đó có lúc giá chạm 10,64 USD, cao nhất trong vòng một tháng.
Trung Quốc là nước sản xuất lợn lớn nhất thế giới, mà nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu là khô đậu tương. Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc chiếm 60% thương mại toàn cầu. Nếu đúng như tuyên bố thì Trung Quốc sẽ áp thuế lên đậu tương và 105 sản phẩm nhập khẩu khác từ Mỹ, sẽ khiến giá khô đậu tăng mạnh.
Cao su tiếp tục tăng
Giá cao su trên sàn Tokyo tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất gần 2 tuần theo xu hướng giá ở Thượng Hải và đồng yen yếu đi so với USD. Hợp đồng giao tháng 9 giá tăng 2,2 JPY (1,2%) lên 183,5 JPY (1,71 USD)/kg, cao nhất kể từ 30/3. Hợp đồng cùng kỳ hạn trên sàn Thượng Hải cũng tăng 165 NDT lên 11.580 NDT (1.839 USD)/tấn, và giao tháng 5 trên sàn Singapore tăng 1,1 US cent lên 137,90 US cent/kg.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h30 sang