Thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục chịu tác động từ các diễn biến trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nước khác, nhất là Trung Quốc.
Chiều 10/7 theo giờ Mỹ (tức sáng 11/7 giờ VN), chính quyền Mỹ công bố danh sách áp thuế thêm đối với 200 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ sẽ tổ chức các phiên điều trần về các mặt hàng bị áp thuế trong danh sách này. Nếu được chấp thuận, danh sách áp thuế này sẽ có hiệu lực trong tháng 9 tới. Mỹ hiện cũng đang tính tới việc áp thuế thêm với 16 tỉ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Trước đó, ngày 6/7 chính quyền tổng thống Trump đã áp thuế 25% với 34 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, chính thức thực thi việc áp thuế lần đầu tiên với hàng Trung Quốc dưới thời ông Trump sau nhiều tháng đe dọa. Ngay lập tức Trung Quốc cũng đã công bố áp mức thuế tương đương đáp trả với hàng nhập khẩu của Mỹ, trong đó có những mặt hàng chủ lực như đậu nành và xe hơi. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể phá hỏng xu hướng tăng trưởng trên toàn cầu hiện nay.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng vào lúc kết thúc phiên vừa qua. Dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 8/2018 tăng 0,26 USD lên 74,11 USD/thùng; dầu Brent giao tháng 9/2018 cũng tăng 0,79 USD lên 78,86 USD/thùng.
Viện Nghiên cứu dầu Mỹ cho biết, tồn trữ dầu thô nước này tuần qua giảm 6,8 triệu thùng, nhiều hơn dự kiến. Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích dự báo tồn trữ giảm khoảng 4,5 triệu thùng. Ngày 9/7, Suncor Energy cho hay cơ sở sản xuất Syncrude có công suất 360.000 thùng/ngày của hãng này sẽ hồi phục một phần sản xuất trong tháng 7 này, sớm hơn dự kiến, sau khi bị gián đoạn vào tháng trước khiến giá dầu Mỹ tăng cao.
Trong khi đó, tại giàn khoan dầu ngoài khơi Nauy, hàng trăm công nhân đình công khiến một mỏ dầu của Shell phải ngừng hoạt động. Sản lượng dầu Nauy đã giảm một nửa trong 5 tháng qua, xuống còn 527.000 thùng/ngày. Thị trường cũng tiếp tục lo ngại về nguồn cung ở Libya.
Mặc dù các thành viên OPEC, dẫn đầu là Saudi Arabia, đã đồng ý tăng sản lượng, nhưng giới chuyên gia vẫn lo ngại nếu họ làm như vậy sẽ khiến cho nguồn tài nguyên dầu thế giới nhanh bị cạn kiệt.
Trong bối cảnh này, thông tin Mỹ có thể xem xét miễn trừ một số nước khỏi danh sách cấm nhập khẩu dầu Iran đã hạn chế xu hướng giá dầu tăng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 10/7 thông báo Washington sẽ xem xét đề nghị của một số nước yều cầu được đưa khỏi danh sách các nước cấm nhập khẩu dầu từ Iran theo lệnh trừng phạt của Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào tháng 11 tới. Tuyên bố này cho thấy quan điểm mềm mỏng hơn của Mỹ trong việc gia tăng sức mạnh của các biện pháp trừng phạt Iran. Tuy nhiên, ông Pompeo một lần nữa khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ có hiệu lực từ 4/11. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào trong danh sách bị cấm nhập khẩu dầu của Iran và mục tiêu của Washington là giảm lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này còn 0%. Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC sau Saudi Arabia và Iraq. Iran hiện đang tìm cách thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, Iran sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu dầu mỏ khi Mỹ đang tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nhiều cá nhân và thực thể ở nước này. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ gặp khó khăn khi hợp tác và làm ăn tại Iran.
Mặc dù Mỹ thông báo có thể xem xét miễn trừ một số nước, nhưng theo nhà phân tích Phil Flynn của hãng Price Futures Group ở Chicago, tác động thực sự đối với thị trường còn phụ thuộc vào việc đối tượng được miễn trừ đó có phải là nước nhập khẩu nhiều dầu thô Iran hay không? Có phải là Ấn Độ không? Được miễn trừ tạm thời hay lâu dài?… Được biết, tháng trước Mỹ tuyên bố muốn xuất khẩu dầu của Iran giảm xuống còn số 0 vào tháng 11 tới.
Ngân hàng Anh Barclays vừa nâng triển vọng giá dầu năm nay và năm tới bởi dự báo nguồn cung giảm sút từ Libya và Iran. Cụ thể, dự báo về giá dầu Brent năm 2019 được tăng từ mức 65 USD/thùng lên 71 USD/thùng, còn dầu WTI tăng lên 65 USD/thùng. Triển vọng giá dầu Brent nửa cuối năm 2018 cũng được điều chỉnh tăng từ 70 USD/thùng lên 73 USD/thùng.
Trong báo công bố ngày 10/7, EIA dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 73 USD/thùng trong nửa cuối năm 2018 và sẽ giảm xuống 69 USD/thùng vào năm 2019. EIA cũng ước tính sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt trung bình 10,8 triệu thùng/ngày trong năm 2018, tăng so với mức 9,4 triệu thùng/ngày trong năm 2017 và tiếp tục tăng lên 11,8 triệu thùng/ngày vào năm 2019.
Trên thị trường kim loại quý, đồng USD mạnh lên tiếp tục gây áp lực giảm giá vàng bạc. Kết thúc phiên, vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 1.255,09 USD/ounce, vàng giao tháng 8/2018 cũng hạ 4,2 USD (0,3%), xuống 1.255,40 USD/ounce. Về các kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,13% xuống 16,05 USD/ounce; bạch kim giảm 0,8% xuống 840,25 USD/ounce còn palađi giảm 2% xuống 941,25 USD/ounce.
Chỉ số dollar index so với rổ 6 đồng tiền quốc tế chủ chốt tăng 0,33%, lên 94,386, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6 vào ngày 9/7. Thị trường cổ phiếu khởi sắc góp phần đẩy tăng giá USD, qua đó khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này như vàng trở nên đắt đỏ hơn.
Giới đầu tư hiện vẫn đang thận trọng dõi theo các diễn biến của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuần trước, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp thuế nhập khẩu 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD của nhau, làm gia tăng nguy cơ dẫn tới cuộc chiến thương mại toàn cầu. Theo Naeem Aslam, nhà phân tích chính về thị trường từ ThinkMarkets.com, cho tới nay tác động của các cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn tới thị trường vàng vẫn còn hạn chế.
Giá của mặt hàng kim loại quý này hiện vẫn đang trên đà đi xuống kể từ sau khi leo lên mức 1.365,23 USD/ounce vào ngày 11/4, cao nhất kể từ ngày 25/1 năm nay. Theo chuyên gia phân tích Carsten Fritsch từ ngân hàng Commerzbank (Đức), nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, nhiều khả năng vàng sẽ trở lại mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2017 là 1.240 USD/ounce hồi tuần trước.
Tuy nhiên, triển vọng palađi khả quan hơn, và Giám đốc phân tích kỹ thuật Stéphanie Aymes của Societe Generale tin tưởng rằng palađi sẽ trở lại mức 1.043,47 USD/ounce. Hãng Johnson Matthey dự báo thị trường palađi sẽ thiếu hụt 239.000 ounce trong năm nay, giảm so với mức thiếu 801.000 ounce năm 2017. Tập đoàn CPM dự báo nhu cầu palađi trong lĩnh vực chế tạo sẽ tăng 0,8% trong năm 2018 lên 9,74 triệu ounce, mức cao kỷ lục lịch sử và là năm thứ 9 liên tiếp tăng. Nhu cầu năm 2017 là 9,66 triệu ounce. Nhu cầu từ ngành ô tô dự báo sẽ đạt 6,61 triệu ounce trong năm nay, so với 6,55 triệu ounce năm 2017.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kẽm giảm xuống mức thấp nhất hơn 1 năm do dự báo nguồn cung tăng giúp giảm lượng thiếu cung. Kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London đầu phiên xuống mức 2.607,50 USD/tấn, thấp nhất kể từ 21/6/2017 và kết thúc phiên ở 2.630 USD/tấn, giảm 2,8%.
Kẽm đã từng là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất, tăng 60% năm 2016 và 29% năm 2017 do tình trạng thiếu cung. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, giá đã giảm 20%. Tập đoàn Nghiên cứu Kẽm và Chì quốc tế (ILZSG) hồi đầu năm cho biết có thêm khoảng 880.000 công suất khai thác kẽm bổ sung cho thị trường trong năm nay.
Nickel trên sàn London giảm tiếp 0,4% xuống 14.155 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất 8 tuần (13.830 USD/tấn) vào ngày 6/7 vừa qua do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 7/2018 kim loại này đã giảm gần 5%.
Xuất khẩu quặng nickel của Philippines – nhà cung cấp nickekl lớn thứ 2 thế giới – năm 2018 dự báo sẽ giảm mạnh 17% do giá thấp không khích lệ hoạt động sản xuất. Dự báo xuất khẩu quặng nickel năm nay sẽ chỉ đạt 30-35 triệu tấn, so với 36 triệu tấn năm 2017. Nickel được sử dụng trong sản xuất thép không gỉ. Philippines xuất khẩu nickel chủ yếu sang Trung Quốc.
Giá thép tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất hơn 3 tuần do lo ngại nguồn cung sẽ còn khan hiếm hơn nữa sau thông tin (chưa được kiểm chứng) rằng thành phố sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc sẽ hạn chế sản xuất thép hơn nữa.
Thép cây kỳ hạn tháng 10 (hợp đồng được giao dịch nhiều nhất) trên sàn Thượng Hải trong phiên có lúc tăng 2,4% lên 3.881 NDT (586 USD)/tấn, cao nhất kể từ 15/6; kết thúc phiên giá tăng 1,9% lên 3.862 NDT/tấn. Thép tăng giá kéo nguyên liệu sản xuất thép tăng theo, trong đó quặng sắt giao tháng 9 tại Đại Liên tăng 0,4% lên 459 USD/tấn, trong khi than cốc tăng 0,7% lên 2.026 NDT/tấn.
Hãng cung cấp thông tin Shanghai Metals Market trên website của mình cho hay, Thành phố Tangshan của tỉnh Hà Bắc sẽ tiếp tục hạn chế sản xuất thép từ nay đến cuối tháng để cải thiện chất lượng không khí, theo đó các nhà máy thiêu kết và lò đứng sẽ cắt giảm một nửa sản lượng, còn các nhà máy khác giảm 30% công suất. Tuy nhiên, chính quyền Thành phố từ chối bình luận về thông tin này.
Giá và nhu cầu sắt thép tại Trung Quốc gần đây tăng đã kéo nhập khẩu quặng từ Australia tăng theo. Xuất khẩu quặng sắt Australia từ cảng Hedland sang Trung Quốc đã tăng 7% lên 39,69 triệu tấn trong tháng 6 (so với tháng 5).
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica giao tháng 9 giảm 0,25 US cent tương đương 0,2% xuống 1,148 USD/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn tăng 10 USD tương đương 0,6% lên 1.705 USD/tấn.
Giá đường trắng giao tháng 10 tăng nhẹ 1,2 USD tương đương 0,4% lên 332,10 USD/tấn, trong khi đường thô giao cùng kỳ hạn vững ở 11,41 US cent/lb sau thông tin hạn hán có thể làm cho triển vọng sản lượng mía ở khu vực trung nam Brazil trở nên kém đi.
Tuy nhiên, dự trữ ethanol tại Brazil đang tăng lên, có thể khiến các nhà máy chế biến mía nước này chuyển hướng sang tăng cường sản xuất đường, khi đó sẽ gia tăng áp lực lên giá đường – vốn đang gần mức thấp như hồi giữa tháng 5.
Triển vọng giá đường trong những tháng tới dự báo vẫn thấp. Informa’s Agribusiness Intelligence dự báo thị trường đường thế giới sẽ dư thừa 7,2 triệu tấn trong năm 2018/19 sau khi dư thừa 7,3 triệu năm 2017/18, bởi “Sản lượng của Thái Lan và Ấn Độ sẽ tăng mạnh”, và cho biết giá mặt hàng này sẽ còn tiếp tục chịu áp lực giảm. Sản lượng của EU năm 2017/18 đã tăng 21% so với năm trước, lên 19,5 triệu tấn.
Giá lúa mì và ngô đều giảm bởi thời tiết ở Mỹ thuận lợi. Lúa mì giao tháng 9 trên sàn Chiacago giảm 16 US cent tương đương 3,1% xuống 4,92 USD/bushel – hiện đang thấp hơn mức trung bình của 20 cũng như 200 ngày; trong khi đó ngô giao cùng kỳ hạn giảm 6-1/4 US cent tương đương 1,8% xuống 3,47-3/4 USD/bushel.
Sản lượng lúa mì Trung Quốc năm 2018 dự báo giảm 5,6% xuống 122,5 triệu tấn do thời tiết xấu, còn sản lượng ngô sẽ vẫn ở mức 216,5 triệu tấn như năm ngoái.
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất 2 năm theo xu hướng giá giảm ở sàn Đại Liên (Trung Quốc) và đồng ringgit tăng lên. Dầu cọ giao tháng 9 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 0,4% xuống 2.259 ringgit (561,94 USD)/tấn vào lúc đóng cửa, trước đó có lúc giá chạm 2.234 ringgit, thấp nhất kể từ 15/7/2016. Tại Đại Liên, dầu đậu tương giảm 0,03 trong khi dầu cọ giảm 2,4%.
Giá cao su giảm do lo ngại về chiến tranh thương mại. Kết thúc phiên vừa qua, cao su giao tháng 12 trên sàn Tokyo giảm 1,4 yen xuống 173,2 JPY (1,56 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng giao tháng 9 cũng giảm 80 NDT xuống 10.335 NDT (1.562 USD)/tấn. Căng thẳng thương mại gia tăng sẽ là yếu tố bất lợi cho các thị trường hàng hóa.
Giá hàng hóa thế giới
Hàng hóa | ĐVT | Giá | +/- | +/- (%) |
Dầu thô WTI | USD/thùng | 74,11 | +0,26 | +0,32% |
Dầu Brent | USD/thùng | 78,86 | +0,79 | +1,01% |
Dầu thô TOCOM | JPY/kl | 51.430,00 | +200,00 | +0,39% |
Khí thiên nhiên | USD/mBtu | 2,79 | 0,00 | 0,00% |
Xăng RBOB FUT | US cent/gallon | 216,27 | +0,24 | +0,11% |
Dầu đốt | US cent/gallon | 221,92 | -0,26 | -0,12% |
Dầu khí | USD/tấn | 678,00 | +6,00 | +0,89% |
Dầu lửa TOCOM | JPY/kl | 69.500,00 | +310,00 | +0,45% |
Vàng New York | USD/ounce | 1.255,70 | +0,30 | +0,02% |
Vàng TOCOM | JPY/g | 4.484,00 | +3,00 | +0,07% |
Bạc New York | USD/ounce | 16,06 | -0,03 | -0,17% |
Bạc TOCOM | JPY/g | 57,30 | -0,20 | -0,35% |
Bạch kim giao ngay | USD/ounce | 844,33 | -2,69 | -0,32% |
Palladium giao ngay | USD/ounce | 941,09 | -2,41 | -0,26% |
Đồng New York | US cent/lb | 282,25 | -1,70 | -0,60% |
Đồng LME 3 tháng | USD/tấn | 6.332,50 | -57,50 | -0,90% |
Nhôm LME 3 tháng | USD/tấn | 2.090,00 | -31,00 | -1,46% |
Kẽm LME 3 tháng | USD/tấn | 2.630,00 | -75,00 | -2,77% |
Thiếc LME 3 tháng | USD/tấn | 19.775,00 | +130,00 | +0,66% |
Ngô | US cent/bushel | 347,75 | -6,25 | -1,77% |
Lúa mì CBOT | US cent/bushel | 492,00 | -16,00 | -3,15% |
Lúa mạch | US cent/bushel | 239,00 | -2,00 | -0,83% |
Gạo thô | USD/cwt | 11,89 | -0,22 | -1,82% |
Đậu tương | US cent/bushel | 871,50 | -0,50 | -0,06% |
Khô đậu tương | USD/tấn | 332,20 | +2,30 | +0,70% |
Dầu đậu tương | US cent/lb | 29,42 | +0,16 | +0,55% |
Hạt cải WCE | CAD/tấn | 502,50 | -3,80 | -0,75% |
Cacao Mỹ | USD/tấn | 2.501,00 | +58,00 | +2,37% |
Cà phê Mỹ | US cent/lb | 114,80 | -0,25 | -0,22% |
Đường thô | US cent/lb | 11,41 | +0,01 | +0,09% |
Nước cam cô đặc đông lạnh | US cent/lb | 166,85 | -2,30 | -1,36% |
Bông | US cent/lb | 86,38 | +0,91 | +1,06% |
Lông cừu (SFE) | US cent/kg | — | — | — |
Gỗ xẻ | USD/1000 board feet | 532,30 | +2,30 | +0,43% |
Cao su TOCOM | JPY/kg | 172,80 | -0,40 | -0,23% |
Ethanol CME | USD/gallon | 1,43 | -0,01 | -0,56% |