Phiên giao dịch 8/5 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 9/5 giờ VN), giá hầu hết các hàng hóa sụt giảm.
Trên thị trường năng lượng, trong phiên giao dịch vừa qua, giá dầu dao động thất thường. Giữa phiên có lúc giá giảm mạnh 4%, dầu WTI xuống chỉ 67,63 USD/thùng, còn dầu Brent xuống 73,10 USD/thùng vì giới đầu tư nghi ngờ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân như lời đe dọa. Tuy nhiên, thực tế trái với dự đoán, ông Trump đã tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận với Iran và đồng thời tuyên bố sẽ áp các trừng phạt “ở mức cao nhất” đối với quốc gia Trung Đông này. Dầu mỏ sau đó đã hồi phục nhẹ, tuy nhiên kết thúc phiên, giá vẫn giảm so với một ngày trước đó, với dầu Brent giảm 1,7% xuống 74,85 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 2,4% xuống 69,06 USD/thùng.
Cũng trong phiên giao dịch vừa qua, hợp đồng xăng giao tháng 6 lùi 1,1% xuống 2,111 USD/gallon; dầu sưởi giao tháng 6 giảm gần 1,3% còn 2,158 USD/gallon; khí thiên nhiên giao tháng 6 hạ 0,3% xuống 2,732 USD/MMBtu.
Trong bài phát biểu chiều 8/5 (rạng sáng 9/5 theo giờ HN), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo ông Trump, thỏa thuận trên còn được gọi là JCPOA bị khiếm khuyết ngay từ bên trong. Ông đe dọa Iran sẽ gặp phải “những vấn đề lớn hơn” nếu tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân. Ông khẳng định đây sẽ không phải là những đe dọa “sáo rỗng”. Tổng thống Donald Trump cũng cho biết ông sẽ bắt đầu triển khai “mức cao nhất” của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran.
Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 trong khối Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và chiếm khoảng 4% nguồn cung dầu toàn cầu, với sản lượng khoảng 3,8 triệu thùng/ngày. Từ khi được xóa các lệnh trừng phạt năm 2015, xuất khẩu dầu thô Iran đã tăng lên khoảng 2,5 triệu thùng/ngày so với chỉ dưới 1 triệu thùng giai đoạn trước đó (2012-2015). Phần lớn dầu xuất khẩu của Iran sang các thị trường châu Á, còn châu Âu nhận khoảng 600.000 thùng/ngày. Việc Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt lên quốc gia này có thể khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt hơn nữa.
Giá dầu hồi phục một phần nữa cũng bởi Viện Dầu mỏ Mỹ thông báo dự trữ dầu thô giảm 1,9 triệu thùng trong tuần tới 4/5, nhiều hơn mức -710.000 thùng mà giới phân tích dự đoán.
Giá dầu trong tháng vừa qua luôn được hỗ trợ bởi lời đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của ông Trump vì điều đó không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu dầu thô của Iran mà còn làm gia tăng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, nơi chiếm 1/3 tổng cung dầu thế giới.
Tuy nhiên, nhà phân tích thuộc InfraCap, ông Jay Hatfield nhận định: “Sản lượng dầu của Iran có khả năng không bị ảnh hưởng nhiều khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, trừ khi ông Trump có thể thuyết phục các đồng minh khác cũng tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran”.
Và nguồn cung dầu Mỹ không ngừng tăng cũng góp phần cản trở đà tăng giá dầu. Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô nước này sẽ đạt 12 triệu thùng/ngày trong quý 1/2019.
Stephen Innes, Giám đốc công ty môi giới hàng hóa kỳ hạn OANDA, cho biết các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran có thể đẩy giá dầu tăng thêm 5 USD/thùng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng hầu như không thay đổi trong phiên vừa qua sau khi USD lên cao nhất kể từ đầu năm. Vàng giao ngay giá vững ở 1.313,76 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 6 giảm 0,4 USD tương đương 0,03% xuống 1.313,79 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo “sức khỏe” của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – phiên này tăng 0,28% lên mức 92,855 và vẫn quanh mức cao nhất trong năm 2018. Giá vàng luôn nhạy cảm với những biến động của đồng USD, do một khi đồng bạc xanh mạnh lên sẽ khiến sức hấp dẫn của các tài sản an toàn như vàng giảm đáng kể.
Kim loại quý này thường được coi là một kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh có nhiều bất ổn về chính trị và tài chính. Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ có thể khiến các nhà đầu tư giảm bớt nhu cầu đối với các tài sản rủi ro như chứng khoán mà chuyển sang các tài sản “trú ẩn an toàn” như vàng.
Bộ phận nghiên cứu kim loại GFMS của Thomson Reuters dự báo giá vàng trung bình năm nay sẽ là 1.360 USD/ounce, tăng 8% so với năm 2017, và có thời điểm lên tới 1.500 USD/ounce. Theo GFMS, các quỹ ETFs sẽ mua tới 350 tấn vàng trong năm nay so với chỉ 177 tấn năm ngoái; ngoài ra, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng sẽ khôi phục hoạt động mua vàng, đưa tổng nhu cầu mua ròng chính thức năm nay lên hơn 400 tấn lần đầu tiên kể từ 2015.
Trên thị trường các kim loại khác, giá bạc tăng 0,2% lên 16,47 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất của một tuần là 16,30 USD/ounce hồi đầu phiên. Giá bạch kim cũng tiến thêm 0.5% lên 912,2 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng giảm do USD tăng, bất chấp số liệu thương mại tích cực của Trung Quốc –nước tiêu thụ và sản xuất kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,2% xuống 6.745 USD/tấn, thấp hơn mức trung bình của 200 ngày. Xuất nhậ khẩu đồng của Trung Quốc tháng 4 tăng mạnh hơn dự kiến, trong đó nhập khẩu tăng 2,8% so với tháng trước.
Giá nguyên liệu sản xuất thép trên thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng phiên thứ 2 liên tiếp do các nhà đầu cơ không ngừng mua dự trữ khi công suất sản xuất của các nhà máy thép tăng trở lại. “Sản lượng thép tăng luôn luôn mang đến triển vọng tích cực đối với nhu cầu quặng sắt cũng như các nguyên liệu khác”, công ty môi giới Argonaut cho biết.
Quặng sắt giao tháng 9 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) tăng 1,6% trong phiên vừa qua, lên 476 NDT (74,80 USD)/tấn; quặng sắt giao tại cảng Tần Hoàng Đảo (Trung Quốc) tăng 1% lên 67,26 USD/tấn, cao nhất trong vòng 2 tuần. Trong khi đó, giá than luyện cốc tăng 1,6% lên 1.248 NDT/tấn, còn than cốc tăng 1% lên 2.022 NDT/tấn, cao nhất kể từ 9/3.
Sản lượng thép thô của các công ty thép chủ chốt trong giai đoạn từ 10-20/4/2018 đã tăng 1,87% so với cùng kỳ tháng trước, với sản lượng trung bình ngày đạt 1,91 triệu tấn, theo số liệu của Hiệp hội Sắt Thép Nhật Bản.
Dự trữ thép cây đã giảm từ giữa tháng 3 – thời điểm cao nhất nhiều năm (9,79 triệu tấn) xuống 6,71 triệu tấn vào ngày 4/5, theo số liệu của SteelHome. Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy thép tuần qua tăng 1,24% so với tuần trước đó, lên 68,92%, mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.
Trên thị trường phân hóa học, giá ammonia tháng 4 giảm do nguồn cung dư thừa trên thế giới và nhu cấy yếu đi do thời tiết ở bán cầu Bắc lạnh giá khiến nông dân phải lùi thời gian gieo trồng vụ Hè. Giá urea giảm nhẹ do sản lương cao, nhất là ở Mỹ và Iran. Tiêu thụ urea ở bán cầu Bắc cũng chậm, và Brazil lùi thời điểm gieo trồng ngô. Giá DAP tháng 4 tăng nhẹ so với tháng trước đó do Morocco chậm giao hàng bởi thời tiết xấu. Giá potash giữ ổn định bởi cung và cầu trên thế giới nhìn chung đều vững.
Trên thị trường nông sản, giá đường tăng, các nông sản khác sụt giảm.
Cà phê arabica giao tháng 7 giảm 1,15 US cent (1%) xuống 1,196 USD/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn giảm 19 USD (1,1%) xuống 1.794 USD/tấn. Tuy nhiên, những thông tin mới nhất có thể sẽ kéo giá tăng trở lại trong những phiên tiếp theo. Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo tiêu thụ cà phê niên vụ 2017-18 sẽ tăng, và thị trường đang chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt nhẹ. Theo đó, ICO nâng dự báo tiêu thụ trong niên vụ 2017-18 lên 159,92 triệu bao (1 bao = 60 kg), cao hơn mức 158,89 triệu bao công bố trước đó, và cho biết nguồn cung niên vụ này thiếu hụt khoảng 254.000 bao (trước đây ICO dự báo là dư thừa). Dự báo về sản lượng cà phê niên vụ 2017-18 được ICO giữ nguyên ở 159,66 triệu bao. Về niên vụ 2016-17, ICO cũng điều chỉnh các con số cung – cầu, và cho biết thị trường thiếu hụt 164.000 bao chứ không phải dư thừa 312.000 bao như dự báo trước đây, phản ánh nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên.
Giá đường thô giao tháng 7 tăng 0,24 US cent (2,1%) lên 11,56 US cent/lb, trong khi đường trắng giao tháng 8 tăng 6,5 USD (2%) lên 327,60 USD/tấn do công ty môi giới INTL FC Stone dự báo sản lượng đường ở khu trung-nam Brazil sẽ giảm 14% so với niên vụ trước, xuống mức thấp nhất 9 năm. Tuy nhiên, sản lượng dự báo sẽ tăng ở những nước sản xuất chủ chốt khác, trong đó có Ấn Độ và Thái Lan, do đó nguồn cung sẽ vẫn dư thừa. S&P Global Platts/Kingsman dự báo sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2018-19 sẽ vượt 12,59 triệu bao so với nhu cầu, là mức dư thừa nhiều nhất kể từ vụ 2006-07. Niên vụ 2017-18 nguồn cung dự báo cũng sẽ dư thừa 11,46 triệu tấn, cao hơn mức 9,24 triệu tấn trong báo cáo trước đây.
Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo đầu phiên vừa qua đạt mức cao nhất 1 tháng rưỡi, nhưng đã giảm trở lại vào lúc đóng cửa, do các yếu tố cung – cầu vẫn yếu và giá dầu giảm khi các nhà đầu tư chờ đợi xem Mỹ sẽ quyết định thế nào về thỏa thuận hạt nhân Iran. Cao su giao tháng 10 tại Tokyo giảm 1,8 yen xuống 191,7 JPY (1,76 USD)/kg, sau khi có lúc đạt 195 JPY – cao nhất kể từ 16/3. Giá ở Tokyo giảm mặc dù giá tại Thượng Hải tăng 30 NDT lên 11.735 NDT (1.845 USD)/tấn (hợp đồng giao tháng 9).
Nhập khẩu cao su thiên nhiên và tổng hợp của Trung Quốc trong tháng 4 đạt 428.000 tấn, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu sơ bộ của Trung Quốc.
Giá hạt điều trên thị trường Ấn Độ giảm khoảng 5 rupee do nhu cầu yếu trong khi tồn trữ còn nhiều. Điều nhân các loại No 180, 210, 240 và 230 giá bán buôn giảm đồng loạt 5 rupee xuống lần lượt 1.080-1.085 Rs, 975-985 Rs, 875-885 Rs và 755-775 Rs/kg.
Giá hàng hóa thế giới
Hàng hóa | ĐVT | Giá | +/- | +/- (%) |
Dầu thô WTI | USD/thùng | 69,06 | -2,15 | -2,4% |
Dầu Brent | USD/thùng | 74,85 | -1,32 | -1,73% |
Dầu thô TOCOM | JPY/kl | 47.680,00 | +30,00 | +0,06% |
Khí thiên nhiên | USD/mBtu | 2,74 | +0,00 | +0,15% |
Xăng RBOB FUT | US cent/gallon | 213,50 | +2,36 | +1,12% |
Dầu đốt | US cent/gallon | 219,15 | +3,38 | +1,57% |
Dầu khí | USD/tấn | 647,25 | -15,50 | -2,34% |
Dầu lửa TOCOM | JPY/kl | 65.020,00 | 0,00 | 0,00% |
Vàng New York | USD/ounce | 1.315,70 | -0,5 | -0,03% |
Vàng TOCOM | JPY/g | 4.601,00 | +12,00 | +0,26% |
Bạc New York | USD/ounce | 16,51 | +0,04 | +0,23% |
Bạc TOCOM | JPY/g | 57,50 | -0,10 | -0,17% |
Bạch kim giao ngay | USD/ounce | 914,15 | +1,00 | +0,11% |
Palladium giao ngay | USD/ounce | 973,40 | +0,15 | +0,02% |
Đồng New York | US cent/lb | 306,40 | +0,50 | +0,16% |
Đồng LME 3 tháng | USD/tấn | 6.745,00 | -81,00 | -1,19% |
Nhôm LME 3 tháng | USD/tấn | 2.357,50 | +7,50 | +0,32% |
Kẽm LME 3 tháng | USD/tấn | 3.060,00 | +5,00 | +0,16% |
Thiếc LME 3 tháng | USD/tấn | 20.925,00 | -305,00 | -1,44% |
Ngô | US cent/bushel | 403,25 | +2,50 | +0,62% |
Lúa mì CBOT | US cent/bushel | 514,50 | +3,00 | +0,59% |
Lúa mạch | US cent/bushel | 240,00 | +3,75 | +1,59% |
Gạo thô | USD/cwt | 12,76 | -0,01 | -0,12% |
Đậu tương | US cent/bushel | 1.020,25 | +8,75 | +0,87% |
Khô đậu tương | USD/tấn | 385,90 | +3,40 | +0,89% |
Dầu đậu tương | US cent/lb | 30,69 | -0,18 | -0,58% |
Hạt cải WCE | CAD/tấn | 528,50 | +3,60 | +0,69% |
Cacao Mỹ | USD/tấn | 2.773,00 | -75,00 | -2,63% |
Cà phê Mỹ | US cent/lb | 119,60 | -1,15 | -0,95% |
Đường thô | US cent/lb | 11,56 | +0,24 | +2,12% |
Nước cam cô đặc đông lạnh | US cent/lb | 161,40 | -3,20 | -1,94% |
Bông | US cent/lb | 85,38 | -0,61 | -0,71% |
Lông cừu (SFE) | US cent/kg | — | — | — |
Gỗ xẻ | USD/1000 board feet | 592,40 | +5,90 | +1,01% |
Cao su TOCOM | JPY/kg | 191,80 | +0,10 | +0,05% |
Ethanol CME | USD/gallon | 1,47 | 0,00 | -0,20% |
Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg