Phiên giao dịch 3/5 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 4/5 giờ VN), giá một số mặt hàng chủ chốt tăng.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về khả năng Mỹ áp đặt trở lại lệnh trừng phạt đối với Iran. Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 6/2018 tăng 0,5 USD (hay 0,74%) USD lên 68,43 USD/thùng; dầu Brent giao tháng 7/2018 tăng 0,26 USD (hay 0,35%) lên 73,62 USD/thùng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một phát biểu mới đây cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) năm 2015 – hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Tổng thống D.Trump hiện đặt thời hạn chót để các nước châu Âu soạn hiệp định bổ sung cho JCPOA là ngày 12/5 tới, sau đó Washington sẽ chính thức đưa ra quyết định “đi hay ở”.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho biết yêu cầu sửa đổi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Mỹ là không thể chấp nhận được khi thời hạn chót Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra cho các nước châu Âu sửa đổi thỏa thuận đang đến gần. Một nguồn tin cho biết ông Trump đã có tất cả nhưng vẫn quyết định rút khỏi hiệp ước vào ngày 12/5, mặc dù chính xác ông sẽ thực hiện như thế nào vẫn chưa rõ ràng.
Stephen Innes, Giám đốc doanh nghiệp môi giới hàng hóa kỳ hạn OANDA, cho biết các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran “có thể đẩy giá dầu tăng thêm đến 5 USD/thùng.”
Giới phân tích cho biết thị trường năng lượng đặc biệt nhạy cảm với bất cứ diễn biến nào liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran và lệnh cấm vận áp lên quốc gia Trung Đông này.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ giá dầu là các mỏ Biển Bắc nối với đường ống dẫn dầu Brent đã dừng sản xuất do kho cảng Sullom Voe của Anh đóng cửa.
Nguồn cung dầu toàn cầu đang bị thắt chặt do việc cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh. Khảo sát mới nhất của Reuters cho thấy OPEC đã sản xuất khoảng 32 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 4, thấp hơn mục tiêu 32,5 triệu thùng phần lớn do sản lượng sụt giảm ở Venezuela.
Nga cho biết mức tuân thủ của họ theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các nhà sản xuất khác là 95,2% trong tháng 4, với sản lượng không đổi 10,97 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên sản lượng dầu mỏ của Mỹ đang tăng đã hạn chế dầu tăng giá mạnh. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng của nước này hàng tuần đạt kỷ lục mới 10,62 triệu thùng/ngày, chỉ sau Nga nhà sản xuất số 1 thế giới.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng tăng do đồng USD suy yếu và bất ổn địa chính.
Giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.312,54 USD/ounce, vàng giao tháng 6/2018 tăng 7,1 USD (0,5%) lên 1.312,70 USD/ounce.
Ngân hàng trung ương Mỹ đảm bảo với nhà đầu tư rằng lãi suất sẽ tăng từ từ và đồng USD suy yếu đồng thời với những bất ổn địa chính trị. Tốc độ tăng lãi suất chậm lại sẽ rất tích cực cho vàng. Giá vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ vì khi đó vàng trở nên kém hấp dẫn so với các tài sản sinh lãi. Các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu việc làm của Mỹ dự kiến công bố hôm nay, sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng lãi suất của Mỹ.
Bên cạnh đó, mối lo về tình hình bất ổn liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc và khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng là nhân tố hỗ trợ giá vàng trong phiên này.
Các nhà đầu tư trên thị trường đang chờ đợi số liệu mới về thị trường lao động Mỹ, dự kiến công bố ngày 4/5 – yếu tố có thể tác động đến tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 1 và 2/5, Fed đã quyết định duy trì lãi suất ở mức 1,5-1,75% đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục đà gia tăng gần đây để tiến tới gần ngưỡng mục tiêu 2% mà Fed đề ra, mở đường cho cơ quan ngày tăng lãi suất trong tháng Sáu tới.
Báo cáo ngày 3/5 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho hay, nhu cầu vàng thế giới trong quý I năm nay đã chạm mức thấp nhất so với các quý I của thập niên qua, giữa bối cảnh đà tăng giá chậm khiến các nhà đầu tư không còn hứng thú với kim loại quý này. Cụ thể, theo WGC, nhu cầu tiêu thụ vàng trong quý I/2018 đã giảm 7% so với cùng kỳ năm 2017, xuống 974 tấn, mức thấp nhất xét theo các quý I kể từ năm 2008. Cơ quan này nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả trên là do nhu cầu đầu tư giảm khi giá vàng tăng chậm.
Carsten Menke, nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Thụy Sỹ nhận định, lãi suất tăng và một đồng USD mạnh hơn sẽ đủ để đẩy giá vàng xuống dưới 1.300 USD vào tháng tới.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do đồng USD yếu và thị trường chờ đợi thông tin từ cuộc đàm phán thương mại Trung Quốc – Mỹ đang diễn ra tại Bắc Kinh. Giá đồng đóng cửa tăng 0,1% lên 6.827 USD/tấn, trong phiên có lúc giá chạm 6.792 USD/tấn mức cao nhất một tuần và đánh dấu phiên thứ hai tăng liên tiếp.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp đặt thuế nhập khẩu cho mỗi loại hàng hóa của nhau – gồm nhôm của Trung Quốc và phế liệu nhôm của Mỹ – đe dọa sẽ có nhiều hành động hơn trong tranh chấp thương mại làm khuấy động các thị trường kim loại. Một phái đoàn thương mại của Mỹ đã đến Bắc Kinh trong ngày 3/6 để đàm phán về thuế quan, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ đứng lên để áp đảo Mỹ nếu cần nhưng tốt hơn là làm việc trên bàn đàm phán.
Đối với mặt hàng thép, giá trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua có lúc tăng lên mức cao nhất gần hai tháng trước khi đóng cửa ổn định do dự trữ giảm bởi nhu cầu mạnh tại nước tiêu thụ thép hàng đầu thế giới này. Thép cây tại Thượng Hải tăng lên 3.733 NDT (586 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ 7/3, khi đóng cửa giảm 0,1% xuống 3.673 NDT/tấn. Dự trữ thép cây cho xây dựng của các thương nhân Trung Quốc giảm tuần thứ 6 liên tiếp xuống 7,13 triệu tấn vào ngày 27/4, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome. Dự trữ thép cây hiện nay giảm 27% từ mức cao nhất 5 năm gần 10 triệu tấn hồi giữa tháng 3. Sự sụt giảm trong tồn kho đã thúc đẩy sự phục hồi giá giao ngay ở Trung Quốc và khiến các nhà máy thép lớn nâng giá bán của họ 2-3% trong tuần này.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica tăng 0,6 US cent tương đương 0,5% lên 1,2435 USD/lb, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức cao nhất kể từ tháng 2 của phiên trước (1,2595 USD). Arabica đang tiến tới tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp do các nhà đầu tư tiến hành mua bù. Tuy nhiên, giá tăng bị hạn chế bởi các nhà sản xuất Brazil sẽ bắt đầu vào mùa thu hoạch, và đồng tiền nước này giảm giá. Robusta cũng tăng 24 USD tương đương 1,3% lên 1.831 USD/tấn.
Một vài khu vực tại tỉnh Lampung, nơi sản xuất robusta chính tại đảo Sumatra (Indonesia) vẫn đang cung cấp cà phê từ vụ mùa phụ, trong bối cảnh nhu cầu duy trì vững. Xuất khẩu robusta Sumatra từ Lampung giảm 65% trong tháng 4 so với một năm trước xuống 4.011 tấn, xuất khẩu tiếp tục sụt giảm so với năm trước trong 8 tháng liên tiếp. Vụ thu hoạch chính của Indonesia được dự kiến vào tháng 6 hay tháng 7.
Đường thô giảm giá trong phiên vừa qua do nguồn cung dồi dào. Đường thô kỳ hạn tháng 7 giảm 0,06 US cent (0,5%) xuống 11,69 US cent/lb, trong khi đó đường trắng kỳ hạn tháng 8 chốt phiên giảm 30 US cent (0,1%) xuống 323,5 USD/tấn. Giá đường trắng giảm trong phiên trước, sau khi Ấn Độ phê duyệt kế hoạch trợ cấp cho nông dân trồng mía có thể mở cánh cửa để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Thị trường vẫn tập trung vào dư thừa nguồn cung toàn cầu, với việc nhà phân tích hàng hóa Green Pool dự báo lượng đường dư thừa trong cả niên vụ 2017/18 và 2018/19 gần 25 triệu tấn.
Giá hàng hóa thế giới
Hàng hóa | ĐVT | Giá | +/- | +/- (%) |
Dầu thô WTI | USD/thùng | 68,43 | +0,5 | +0,74% |
Dầu Brent | USD/thùng | 73,62 | +0,26 | +0,35% |
Dầu thô TOCOM | JPY/kl | 46.440,00 | +160,00 | +0,35% |
Khí thiên nhiên | USD/mBtu | 2,73 | +0,01 | +0,18% |
Xăng RBOB FUT | US cent/gallon | 209,00 | +0,25 | +0,12% |
Dầu đốt | US cent/gallon | 211,35 | +0,08 | +0,04% |
Dầu khí | USD/tấn | 641,75 | +2,50 | +0,39% |
Dầu lửa TOCOM | JPY/kl | 63.740,00 | +140,00 | +0,22% |
Vàng New York | USD/ounce | 1.312,90 | +7,1 | +0,5% |
Vàng TOCOM | JPY/g | 4.598,00 | -8,00 | -0,17% |
Bạc New York | USD/ounce | 16,47 | +0,02 | +0,14% |
Bạc TOCOM | JPY/g | 58,40 | +1,10 | +1,92% |
Bạch kim giao ngay | USD/ounce | 903,99 | +0,89 | +0,10% |
Palladium giao ngay | USD/ounce | 964,36 | +0,06 | +0,01% |
Đồng New York | US cent/lb | 309,20 | +1,15 | +0,37% |
Đồng LME 3 tháng | USD/tấn | 6.827,00 | +7,00 | +0,10% |
Nhôm LME 3 tháng | USD/tấn | 2.269,00 | -52,50 | -2,26% |
Kẽm LME 3 tháng | USD/tấn | 3.007,00 | -40,00 | -1,31% |
Thiếc LME 3 tháng | USD/tấn | 21.205,00 | +125,00 | +0,59% |
Ngô | US cent/bushel | 407,75 | -0,25 | -0,06% |
Lúa mì CBOT | US cent/bushel | 535,50 | -2,50 | -0,46% |
Lúa mạch | US cent/bushel | 236,25 | -0,75 | -0,32% |
Gạo thô | USD/cwt | 13,01 | -0,01 | -0,08% |
Đậu tương | US cent/bushel | 1.049,75 | -3,50 | -0,33% |
Khô đậu tương | USD/tấn | 397,70 | -0,90 | -0,23% |
Dầu đậu tương | US cent/lb | 30,70 | -0,11 | -0,36% |
Hạt cải WCE | CAD/tấn | 525,20 | -2,90 | -0,55% |
Cacao Mỹ | USD/tấn | 2.841,00 | +28,00 | +1,00% |
Cà phê Mỹ | US cent/lb | 124,35 | +0,60 | +0,48% |
Đường thô | US cent/lb | 11,69 | -0,06 | -0,51% |
Nước cam cô đặc đông lạnh | US cent/lb | 159,10 | -1,15 | -0,72% |
Bông | US cent/lb | 84,50 | 0,00 | 0,00% |
Lông cừu (SFE) | US cent/kg | — | — | — |
Gỗ xẻ | USD/1000 board feet | 566,50 | -8,60 | -1,50% |
Cao su TOCOM | JPY/kg | 191,90 | -0,10 | -0,05% |
Ethanol CME | USD/gallon | 1,49 | +0,03 | +2,20% |
Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg