Thị trường hàng hóa biến động trái chiều. Riêng nhôm đang ở mức đỉnh cao 6 năm bởi những quan ngại nguồn cung sẽ thiếu hụt sau khi Mỹ trừng phạt hãng Rusal của Nga. Giá dầu giảm nhưng vẫn ở mức cao của 3 năm.
Dầu giảm nhẹ nhưng vẫn cao nhất gần 3 năm
Căng thẳng leo thang ở Syria và dự trữ dầu toàn cầu giảm đã khiến giá dầu vọt lên mức cao nhất kể từ cuối 2014 từ hôm thứ Tư (11/4) và duy trì mức đó trong gần suốt phiên vừa qua. Đóng cửa giao dịch, dầu thô Brent giảm nhẹ 4 USD cent xuống 72,02 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ tăng 25 US cent lên 67,02 USD/thùng. Tình hình ở Syria đến nay vẫn tiếp tục căng thẳng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ có hành động quân sự ở Syria và thái độ đáp trả của Nga gây lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung.
Một số yếu tố cơ bản cũng hậu thuẫn giá tăng. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết các kho dự trữ dầu thừa đã “bốc hơi” gần hết do nhu cầu mạnh và nguồn cung của OPEC giảm. Tổ chức này đã sản xuất khối lượng thấp hơn mục tiêu, vậy nên thế giới phải sử dụng dầu dự trữ để đáp ứng nhu cầu gia tăng.
OPEC trong báo cáo mới nhất cho biết dự trữ dầu của nhóm các nước phát triển đã giảm 17,4 triệu thùng trong tháng 2 xuống 2,854 tỷ thùng, chỉ cao hơn khoảng 43 triệu thùng so với mức trung bình của 5 năm qua. Tổng thư ký OPEC, Mohammad Barkindo, cho hay số dầu dư thừa trên toàn cầu đã giảm tới 9/10 kể từ dầu năm 2017. “Dự trữ ở các kho đã giảm từ mức cao chưa từng có là cao hơn khoảng 400 triệu thùng xuống chỉ khoảng 43 triệu thùng so với mức trung bình của 5 năm”, ông Barkindo cho biết.
OPEC, Nga và một số nước sản xuất ngoài OPEC khác đã bắt đầu kiềm chế nguồn cung kể từ tháng 1/2017. Cam kết của họ sẽ kéo dài tới cuối năm nay, và tháng 6 tới OPEC sẽ họp để quyết định xem có nên hành động tiếp hay không. “Rất nhiều khả năng chúng tôi sẽ kéo dài thỏa thuận này sau năm 2018”, và “Nga sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt”, ông Barkindo nhận định.
Tuy nhiên, báo cáo từ Chính phủ Mỹ vẫn cho thấy dự trữ dầu thô của nước này tăng 3,3 triệu thùng, và sản lượng đạt kỷ lục cao 10,53 triệu thùng/ngày. Các nhà phân tích đang chờ có thêm những thông tin khác về cung – cầu. Nhà quản lý của hãng nghiên cứu Stamford, ông
Gene McGillian cho rằng “Sẽ phụ thuộc vào việc liệu nhu cầu có mạnh như dự kiến hay không”.
Nhôm cao kỷ lục 6 năm
Giá nhôm tiếp tục tăng mạnh, lên mức cao nhất kể từ 2012 do lo ngại nguồn cung sẽ thiếu hụt sau khi Mỹ trừng phạt hãng Rusal của Nga.
Hợp đồng tham chiếu trên sàn London vừa tăng thêm 3,3% lên 2.325 USD/tấn vào lúc đóng cửa, trong phiên có lúc giá chạm 2.331 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 3/2012. Kim loại này đã tăng hơn 15% kể từ khi Mỹ thông báo trừng phạt giới tài phiệt Nga (thứ Sáu ngày 6/4).
“Dòng chảy thương mại mặt hàng nhôm trên toàn cầu sẽ bị gián đoạn”, nhà kinh tế Caroline Bain của Capital Economics cho biết, mặc dù “Trong trung hạn, Rusal sẽ tìm được những thị trường tiêu thụ kim loại của mình, có thể là Trung Quốc; và sản lượng của Trung Quốc ũng sẽ tăng lên để bù đắp cho sự thiếu hụt”. Theo các nhà phân tích của CRU, không kể sản lượng của Trung Quốc thì Nga chiếm khoảng 14% lượng cung cấp. Sản lượng nhôm toàn cầu năm nay dự báo ở mức 65 triệu tấn.
Sàn LME sẽ dừng nhận nhôm của Rusal từ ngày 17/4, nhưng kim loại đã ở trong kho trước khi có lệnh trừng phạt sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các ngân hàng và các thương gia không muốn mạo hiểm nắm giữ bất cứ lượng nhôm nào của Rusal dù đã có từ trước để tránh trường hợp bị trừng phạt thứ cấp, nên sẽ giao hết nhôm về các kho của LME. Đó là lý do khiến Dự trữ nhôm tại các kho ngoại quan của LME tăng 94.450 tấn tương đương 7,5% lên 1.345.225 tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 7, phần lớn do lượng cung đến từ các kho của LME Hà Lan đặt tại Vlissingen và Rotterdam.
Than giảm 4%
Giá than luyện cốc tại Trung Quốc giảm 4% trong phiên vừa qua do lo ngại nhu cầu từ ngành thép sụt giảm. Tâm lý lo ngại về căng thẳng leo thang liên quan đến thuế nhập khẩu hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên các nhà đầu tư. Than luyện cốc giao tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 3,9% xuống 1.245,50 NDT (179 USD), trong khi than cốc giảm 3% xuống 1.731,50 NDT/tấn. Cả 2 loại đều xuống thấp nhất 2 tuần.
Vàng giảm từ mức cao nhất 11 tuần, bạc và palađi cũng giảm, riêng bạch kim tăng
Giá vàng đã giảm nhẹ do các nhà đầu tư bán chốt lời và USD tăng. Tuy nhiên, thị trường đang được hỗ trợ tích cực bởi lo ngại về căng thẳng quân sự leo thang ở Syria và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 1.337,55 USD/ounce, trong khi vàng Mỹ giao tháng 6 giảm 18,6 USD tương đương 1,3% xuống 1.341,90 USD/ounce.
Thị trường về cơ bản vẫn vững do những căng thẳng liên quan tới Syria và Trung Quốc. Chủ tịch của EverBank, Chris Gaffney, cho rằng giá sẽ ở mức khoảng 1.340 USD/ounce. Nhà kinh doanh kim loại quý Sam Laughlin thuộc MKS SA dự đoán “Giá có thể lên tới 1.350 USD” nếu những đe dọa trên thực sự xảy ra. Vàng thường được các nhà đầu tư nhằm tới mỗi khi có bất ổn về tài chính hoặc chính trị, do đó thường tăng giá cùng với đồng yen Nhật và trái phiếu kho bạc Mỹ.
Đối với những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,8% xuống 16,49 USD/ounce, sau khi có lúc lên mức cao nhất gần 2 tháng là 16,87 USD. Bạch kim tăng 0,3% lên 928,80 USD/ounce, còn palađi giảm 0,2% xuống 962,22 USD, nhưng tính từ đầu tuần đã tăng hơn 6% do lo ngại nguồn cung từ Nga có thể bị ảnh hưởng sau lệnh trừng phạt của Mỹ.
Gạo Việt Nam và Thái Lan tăng
Giá gạo Việt Nam tăng tuần thứ 3 liên tiếp, gạo Thái Lan cũng nhích lên và chỉ có gạo Ấn Độ giảm. Loại 5% tấm của Việt Nam giá hiện 435 – 440 USD/tấn, so với 425 – 430 USD/tấn cách đây một tuần nhờ những hợp đồng mới ký với Indonesia và Philippines; gạo cùng loại của Thái Lan cũng tăng lên 437-438 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 430-448 USD/tấn vì các nhà xuất khẩu kỳ vọng sắp ký được hợp đồng mới với Indonesia và Philippines và hy vọng sẽ nhận được đơn đặt hàng mua gạo đồ từ châu Phi vào cuối năm nay. Riêng gạo Ấn Độ giảm giá trong tuần qua, loại đồ 5% tấm giảm 8 USD/tấn xuống 419-423 USD/tấn do nhu cầu chậm lại và đồng rupee giảm xuống thấp nhất gần 5 tháng. Giá gạo Việt Nam và Thái Lan được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi có thêm hợp đồng nữa trong những tuần tới.
Cà phê biến động thất thường
Giá cà phê biến động trái chiều trong phiên vừa qua, với arabica giao tháng 7 tại New York giảm 0,25 US cent tương đương 0,2% xuống 1,20 USD/lb, trong khi robusta tại London tăng 2 USD tương đương 0,1% lên 1.736 USD/tấn. Với nguồn cung cà phê châu Á, khách hàng chủ yếu mua của Indonesia. Mặc dù vậy, mức cộng cà phê Indonesia tuần này tiếp tục thu hẹp khi nguồn cung từ vụ thu hoạch phụ tăng dần, trong khi thị trường Việt Nam tiếp tục trầm lắng. Mức cộng của cà phê robusta loại 4-80 hat lỗi – ở tỉnh Lampung giảm xuống còn 120 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 7 tại London, từ mức +130 USD/tấn cách đây một tuần.
Tại Việt Nam, nông dân không muốn bán cà phê ở mức giá hiện tại. Các thương gia Việt Nam báo giá loại 2 – 5% đen vỡ và- ở mức trừ lùi 50 – 100 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 7 tại London, so với mức trừ lùi 50 USD/tấn cách đây một tuần. Giá cà phê tại tỉnh Đắc Lắc xuống 36.500 đồng – 36.700 đồng (1,6 – 1,61 USD)/kg, từ mức 37.300 – 37.600 đồng/kg cách đây một tuần. Nhiều khả năng xuất khẩu cà phê Việt Nam tháng 4 sẽ chỉ khoảng 100.000 – 140.000 tấn.
Cao su tăng
Giá cao su tiếp tục tăng phiên thứ 4 liên tiếp do giá dầu cao. Hợp đồng giao tháng 9 trên sàn Tokyo tăng 1,1 yen lên 183 JPY (1,71 USD)/kg. Tuy nhiên, dự trữ duy trì cao gây áp lực giảm giá tại Thượng Hải khiến đà tăng tại Tokyo bị hạn chế. Giá tại Thượng Hải giảm 65 NDT xuống 11.480 NDT (1.828 USD)/tấn. Số liệu của Hiệp hội Cao su Nhật Bản cho thấy dự trữ cao su thô tại các cảng Nhật tới ngày 31/3 đạt 14.999 tấn, chỉ giảm nhẹ 0,3% so với thời điểm công bố trước đó. Dự trữ tại Trung Quốc cũng vẫn cao.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h30 sang