Giá đồng tại London ngày 28/3 tăng phiên thứ 2 liên tiếp, do đồng USD suy yếu cùng với căng thẳng thương mại toàn cầu lắng xuống.
Một đồng bạc xanh suy yếu khiến kim loại mua bằng đồng USD rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác và có thể hỗ trợ giá.
Giá đồng giao kỳ hạn 3 tháng tại Sở giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,2% lên 6.665 USD/tấn, sau khi tăng 0,7% trong phiên trước đó.
Giá đồng giao kỳ hạn tháng 5 tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (ShFE) tăng 0,3% lên 49.590 NDT (7.898,01 USD)/tấn.
Chỉ số đồng USD giảm 0,1% xuống còn 89,29, trong khi giá nhôm tại London không thay đổi và giá chì tại LME giảm 0,3%.
Vedanta Resources Plc cho biết, hoạt động luyện kim đồng của Vedanta Ltd tại Thootukudi, phía nam khu vực Tamil Nadu sẽ đóng cửa khoảng 15 ngày để bảo dưỡng.
Tập đoàn Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) cho biết, sản lượng đồng tinh chế toàn cầu trong năm 2017 đạt 23,5 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm trước đó.
Sự gia tăng sản lượng chủ yếu do Trung Quốc tăng 5%, nước sản xuất đồng tinh chế lớn nhất thế giới. Sản lượng Ấn Độ cũng tăng 6% so với năm trước đó. Chile – nước sản xuất đồng tinh chế lớn thứ 2 – giảm 7% về sản lượng so với năm trước đó. Sản lượng đồng từ Nhật Bản và Mỹ – nước sản xuất lớn thứ 3 và thứ 4 thế giới – cũng giảm 4% và 12% so với năm trước đó theo thứ tự lần lượt.
Theo báo cáo từ Antaike, doanh nghiệp nghiên cứu nhà nước Trung Quốc cho biết, nhập khẩu đồng tinh chế của nước này năm 2018 sẽ giảm 7,5% xuống còn 3 triệu tấn so với 3,24 triệu tấn năm trước đó. Điều này khiến Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu đồng giảm 3 năm liên tiếp, chủ yếu do sản lượng tăng và nhu cầu nội địa suy yếu.
Mặc dù nhập khẩu đồng tinh chế được dự kiến sẽ giảm, tiêu thụ đồng tinh chế dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Trong năm 2018, tiêu thụ đồng tinh chế của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 3,3% lên 11,1 triệu tấn so với năm trước đó. Trong số đó, sản lượng đồng tinh chế dự kiến sẽ tăng 4,3% lên 8,4 triệu tấn.
Chứng khoán châu Á hồi phục trở lại trong ngày thứ tư (28/3), khi chứng khoán phố Wall suy giảm do lo ngại về các quy định thắt chặt hơn đối với các công ty công nghệ.
Nguồn: VITIC/Reuters